![]() |
Một cảnh trong phim Countdown. |
Bộ phim mở đầu bằng một lời thú tội: Tổng đài viên Smolin của lực lượng đặc nhiệm thừa nhận rằng, những vụ đánh bom các cao ốc trên khắp nước Nga không phải do những tên khủng bố Chechnya thực hiện mà là do anh ta và các đồng nghiệp tiến hành. Anh bị tên đầu xỏ chính trị Pokrovsky buộc phải nói dối. Tên này bắt cóc con gái của Smolin và giữ một con tin Chechnya khác ở rạp xiếc. Mục đích của Pokrovsky là dùng các con tin để đòi được hoạt động chính trị hợp pháp.
Nhưng mọi việc không chỉ có thế. Cùng lúc đó, một nhóm người Arab tự xưng là “Ansar Allah” đe doạ tiến hành khủng bố trên quy mô toàn cầu. Tên đầu sỏ muốn loại bỏ những nhà lãnh đạo không đồng quan điểm bằng cách đánh bom một hội nghị chống khủng bố đang diễn ra ở Rome.
Với nội dung khá rắc rối, khán giả còn bị lôi cuốn vào những chi tiết về kỹ thuật được đề cập trong phim. Bộ phim có kinh phí 7 triệu USD, được cấp từ ngân sách nhà nước, được quảng cáo liên tục trên các phương tiện truyền thông và được sự hậu thuẫn của chính phủ. Countdown được đánh giá là “quả bom tấn” của điện ảnh Nga, với lực lượng quay phim hùng hậu: 8 trực thăng, 2 máy bay chiến đấu Su-27, 4 máy bay Il-76, 6 máy bay dân sự bọc sắt và 1 hàng không mẫu hạm. 150 kg thuốc nổ được sử dụng hết và nhân viên đặc vụ của chính phủ cũng tham gia bộ phim này. Anisimov, giám đốc các lực lượng đặc nhiệm của Nga, là cố vấn của Countdown. Một cố vấn khác là Richard Stolz, cựu nhân viên CIA.
Nhiều nhà phê bình cho rằng, Countdown mang tính mỉa mai chính trị. Về nghệ thuật làm phim, đây là một tác phẩm có tính chuyên nghiệp cao, không thua kém các bộ phim hành động của Hollywood. Các rạp chiếu phim ở Nga hy vọng sẽ thu hút khách đến với rạp qua các bộ phim như thế này.
Sergei Gribkov, nhà sản xuất của Countdown, nói: “Chúng tôi muốn tạo ra nhân vật anh hùng”. Họ cứu thế giới thoát khỏi thảm hoạ, hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài và cuối cùng, được tướng Mallory của NATO (do John Amos thủ vai) khen ngợi.
Nhân vật Smolin của phim được xây dựng trên một nguyên mẫu có thật. Đó là Alexei Galkin, một người từng bị phiến quân Chechnya giam giữ, sống sót qua những cuộc tra tấn dã man và trở về nhà với rất nhiều huân chương trên ngực. Diễn viên Alexei Makarov nói: “Khi đạo diễn yêu cầu tôi diễn cảm động hơn, tôi đã từ chối. Ông cũng muốn tôi tỏ vẻ trầm tư. Nhưng khi quan sát các thành viên của lực lượng đặc nhiệm, tôi thấy chẳng ai có vẻ trầm tư cả. Mắt họ luôn lạnh lùng và nhìn thẳng vào đối tượng”.
H.T. (theo Moscow News)