Chàm quạp, hổ đất là các loài rắn có nọc rất độc, cư trú ở rừng núi, bưng biền, gò hoang vùng Thất Sơn. Trong đó, xã Thới Sơn (Tịnh Biên) với hai ngọn núi Ông Két, Núi Dài là nơi chàm quạp sinh sôi nhiều nhất. Người dân chuyên làm rẫy, ruộng về tối hay người nghèo chuyên bắt côn trùng, sâu bọ, tắc kè về đêm, hừng sáng rất ngại đụng chàm quạp. Rắn này thường kiếm ăn vào đêm, ai vô ý đạp phải chúng là bị cắn ngay. Nạn nhân đau nhức vô cùng, chạy thày không kịp thì coi như… thấy quan tài trước mắt.
Người nào bị rắn chàm quạp, hổ đất cắn mới biết nỗi khổ khi nọc độc phát. Nọc hổ đất thuộc loại âm hàn, khiến cơ thể lạnh, kéo đờm liên tục, nếu bị nặng thì 12 tiếng đồng hồ sau có thể tử vong. Nọc chàm quạp gây nóng, chỗ bị cắn chảy máu liên tục, máu mũi cứ trào ra và vết thương phù thũng sưng phồng. Nếu điều trị chậm, nọc độc lan tỏa khiến hệ thần kinh bị tê liệt, phá vỡ hồng cầu. Lúc chàm quạp đói, chưa ăn mồi, nọc độc của nó càng độc. Chàm quạp con vài tuần tuổi nọc độc cũng dữ dằn, gây đau nhức không kém.
Ngoài ra, vùng Thất Sơn còn nhiều loại rắn độc khác như quạp voi, quạp dây, hổ sơn, hổ chuối…
Một trong những khắc tinh của rắn độc là ông Huỳnh Văn Lợi, ngụ ấp Sơn Tây Thời. Thời trai trẻ ông từng là nạn nhân của chàm quạp. Nọc độc của nó hành hạ ông chết lên chết xuống. Rất may, đỉnh núi Cấm có người chuyên trị rắn độc cắn; người này đã trị dứt nọc độc và truyền cho ông Lợi phương thuốc bí truyền, gồm gạc, sừng nai hươu cộng thêm các vị thuốc khác. Nhờ phương thuốc này, 22 năm qua đã có gần 100 nạn nhân thoát nạn khi rắn độc cắn. Tiếng lành đồn xa, người bị rắn cắn các nơi tìm đến rất nhiều.
Cách chữa của ông Lợi nghe qua cũng giản đơn. Khi rắn cắn, cứ nặn lấy máu độc ra rồi đắp thuốc lên. Theo ông, nọc rắn hổ bạo phát mạnh nhưng trị mau hết, còn nọc chàm quạp dây dưa, lâu dài. Nọc rắn hổ chuối, hổ đất, hổ sơn thì nguy hiểm hơn vì không gây đau, nhức. Nhiều nạn nhân trong đêm khi bị chúng cắn cứ tưởng va quẹt phải cây cối nên không để ý, tới khi chất độc phát tác mới thất kinh hoảng vía. Theo ông Lợi, khi bị rắn cắn, nạn nhân phải thắt ga-rô để ngăn nọc độc chạy tới tim, không thì thày giỏi cỡ nào cũng bó tay.
Chiếc sừng dinh rắn trị bách độc
Ông Tư Tùng (tức Bùi Thanh Tùng) ở ấp Thới Thượng, xã Thới Sơn có một cái sừng nhỏ bằng lóng tay, màu đen tuyền. Ông cho biết đó là sừng con dinh rắn, hút nọc độc rất hay và có lẽ đây là cái duy nhất trong xã. Tương truyền, loài dị thú dinh cỏ, dinh rắn và dinh cá nặng không quá 2 kg, đầu mọc 1 chiếc sừng cong cong như lưỡi câu. Dinh cỏ và dinh cá chỉ ăn cỏ và cá, lâu lâu mới kiếm rắn ăn; còn dinh rắn thì chuyên ăn các loại rắn độc. Rắn độc cỡ nào mà gặp dinh rắn cũng phải nằm bủn rủn ngay đơ cho chúng ăn thịt. Loài dinh rắn này khi ngủ không nằm dưới đất mà chuyên móc sừng trên các thân cây ngủ, lỗ mũi chúng hướng về phía nào là rắn độc phải tập trung phía đó…
Ông Tùng kể: “Năm 1963, khi vào khu họp, tôi được ông Bảy Biền tặng chiếc sừng dinh rắn to bằng ngón út. Nghe nói dinh rắn chuyên ăn rắn độc nên chiếc sừng của nó có khả năng khắc nọc độc, giữ nó bên mình rắn độc không dám bò đến gần, tôi vừa mừng vừa nghi nghi. Hồi đó vùng Thất Sơn núi rừng trùng điệp, rắn cũng dày đặc. Bộ đội bị chàm quạp, hổ đất cắn rất nhiều. Thấy ai bị cắn là tôi làm theo cách ông Biền chỉ, nặn cho chất độc ra, rồi lấy sừng dinh rắn đặt lên; vài tiếng sau người bị rắn cắn khỏe trở lại. Thấy công hiệu quá tôi mới chẻ nhỏ sừng ra phân chia cho anh em”.
Cũng theo ông Tùng, hiện loài dị thú dinh rắn đã gần như tuyệt chủng, nghe nói mấy chục năm trước ở Cà Mau có xuất hiện con dinh rắn đực, ở Ấn Độ xuất hiện con cái nhưng nay không nghe sách vở đề cập đến nữa. Khi ông về Thới Sơn sinh sống, chiếc sừng dinh tiếp tục cứu người, trị rắn. Mỗi khi hút chất độc xong, chiếc sừng lại ánh lên màu đen tuyền như thoa dầu. Các nạn nhân bị rít, bò cạp cắn cũng được chữa khỏi.
Chuyện kể của hai ông thày thuốc rắn miệt vườn thoạt nghe có vẻ hoang đường. Tuy vậy, ở khắp xứ miền Tây châu thổ này, họ là những cư dân đặc biệt không thể thiếu được. Trước tết Ất Dậu, có 2 nạn nhân bị rắn cắn tìm tới ông Tùng. Người thứ nhất là chị Nguyễn Thị Bé Hai, ở Hầm Cá Phi, xã Xuân Tô. Trong lúc lùa gà vịt trong đêm, chị Hai bị rắn hổ mang cắn, tưởng là gà mổ nên không để ý. Sáng hôm sau, đờm kéo lên tới khí quản, gia đình mới hết hồn chạy thầy. Người thứ hai là anh Mười Minh, ngụ ấp Thới Thượng, bị chàm quạp “chạp” mình mẩy sưng phù, nhức nhối. Họ đều đã qua khỏi.
Ông Tùng kể: “Lúc trước cô Tống Thị Nga, ông Nguyễn Việt My cùng xã tôi cũng có hai chiếc sừng dinh cỏ, trị rắn cắn cũng hay lắm. Sau đó có người bị rắn cắn tới mượn hút nọc độc rồi tráo bằng sừng trâu. Rút kinh nghiệm, ai bị rắn cắn cứ tới đây tôi trị miễn phí hết, nhưng không cho mượn đem về. Cái này là của chung trời đất cho để trị các loài rắn độc vùng núi đồi, phải ráng gìn giữ, không nên chiếm làm của riêng”.
(Theo Thanh Niên)